Kế hoạch của hai bên Chiến_dịch_Trị_Thiên

Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Chiến trường Trị - Thiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược ở miền Trung và Tây Nguyên của Hoa Kỳ va Việt Nam Cộng Hoà. Từ đầu năm 1970 đến giữa năm 1971, mặc dù liên tục bị tập kích, binh lực hao hụt nặng, nhất là ở vùng đường 9 - bắc Quảng Trị, QLVNCH vẫn không rút bỏ bất cứ một cứ điểm nào trong hệ thống phòng thủ chiến lược trọng yếu Trị - Thiên. Cuối năm 1971, mặc dù phán đoán hướng tiến công chiến lược chính năm 1972 của Quân Giải phóng không phải là Trị - Thiên, nhưng do tầm quan trọng của địa bàn chiến lược này nên Bộ Chỉ huy Vùng chiến thuật I vẫn ráo riết tăng cường lực lượng đẩy mạnh các cuộc "hành quân tảo thanh Việt cộng" trong địa phận đảm nhiệm, tung biệt kích, thám báo nhằm thăm dò, phát hiện lực lượng và sự chuẩn bị của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.[5]

Cho đến giữa tháng 3-1972, lực lượng VNCH ở Trị - Thiên gồm có 2 sư đoàn bộ binh (1, 3), 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258), 3 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép (11,20, 17), 17 tiểu đoàn pháo binh từ 105 mm đến 175 mm (258 khẩu), 4 tiểu đoàn, 94 đại đội bảo an, 302 trung đội dân vệ, 5.000 cảmh sát. Với lực lượng trên đây, VNCH tập trung bố phòng trên hai hướng Quảng Trị và Thừa Thiên. Đặc biệt ở Quảng Trị, VNCH liên tục duy trì Sư đoàn bộ binh 3, hai lữ đoàn 147 và 258, hai thiết đoàn 11 và 20 (chưa kể lực lượng bảo an dân vệ địa phương). Tổng cộng khoảng 50.000 quân chủ lực, 100.000 quân địa phương quân và Bảo an. Xét về mật độ thì đây là nơi tập trung quân mạnh và dày đặc nhất trên toàn chiến trường.[6]

Lực lượng VNCH ở Quảng Trị được phân chia thành ba tuyến:

  • Tuyến ngoài cùng (tuyến giáp ranh), bố trí tương đối liên hoàn, chặt chẽ, có không gian rất rộng, kéo dài từ biển Đông đến gần biên giới Việt - Lào, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, phá hoại sự chuẩn bị của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ xa. Lực lượng bảo vệ tuyến này chủ yếu là không quân, pháo binh, biệt kích; trong trường hợp khẩn cấp, một bộ phận quân chủ lực sẽ được điều động làm nhiệm vụ nống lấn càn quét.
  • Tuyến giữa, tuyến phòng thủ quan trọng nhất gồm hệ thống các điểm cao, các căn cứ mà từ lâu Mỹ - Thiệu đã từng tuyên bố và vững tin là "bất khả xâm phạm". Hệ thống đó gồm: động Ông Do, điểm cao 3654, 548, 597, 241, 544… kéo đến Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quáng Ngang, đồi 31. Nhiệm vụ của tuyến này là ngăn chặn các cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bảo vệ các thị xã, thị trấn, các căn cứ, đường giao thông quan trọng và các vùng đã được bình định. Để thực hiện nhiệm vụ đó, VNCH thường xuyên tổ chức thành từng khu vực phòng thủ cấp trung đoàn, tiểu đoàn hoặc tương đương vừa có thể liên kết phòng giữ vừa có thể độc lập tác chiến.
  • Tuyến trong cùng, còn gọi là tuyến phòng ngự dự phòng - kéo dài từ đường số 1 ra biển Đông, gồm các thị trấn, thị xã đông dân Đông Hà, Cửa Việt, Ái Tử, Quảng Trị. Các đơn vị chủ lực ở tuyến này có nhiệm vụ vừa sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, vừa phối hợp chặt chẽ với bảo an, dân vệ,, đánh phá các phong trào đấu tranh, hoặc nổi dậy của dân chúng.[7]

Trên cơ sở phân chia tuyến, vùng hoạt động, Sư đoàn 3 và các lữ đoàn, thiết đoàn phối thuộc tổ chức phòng thủ ở Quảng Trị thành năm khu vực cấp trung đoàn: Trung đoàn 57 bố trí ở Quán Ngang, Dốc miếu xuống đồi 31; Trung đoàn 2 từ Bái Sơn đến Cồn Tiên; Trung đoàn 56 từ điểm cao 241 đến Tân Lâm; Lữ đoàn 147 từ Mai Lộc đến Động Toàn; Lữ đoàn 258 từ Tân Điền đến điểm cao 367; Thiết đoàn 17 có ba chi đoàn đóng ở Gia Lệ Thượng, Đông Lâm, Nhị Thượng. Sở chỉ huy Sư đoàn 3 do viên chuẩn tướng Vũ Văn Giai chỉ huy, đóng tại Ái Tử...[7]

Nhìn chung, chỗ mạnh của VNCH ở khu vực đường 9 - bắc Quảng Trị là hệ thống phòng ngự kiên cố, vững chắc, được xây dựng và hoàn chỉnh từng bước trong hai năm 1970-1971. Đây là những cứ điểm lợi hại, có hệ thống hỏa lực mạnh, được tính toán phần tử bắn theo tọa độ lưới rất kỹ cho pháo binh, pháo hạm và không quân (kể cả máy bay chiến lược B-52). Do đó, hệ thống hỏa lực tại đây có thể khống chế được một vùng rộng lớn hai bên nam - bắc sông Bến Hải. Nhưng chỗ yếu cơ bản của hệ thống phòng ngự là bên ngoài mạnh, bên trong sơ hở, nhất là khu vực rừng núi phía tây từ Ba Lòng đến núi Cái Mương (Huế). Hơn nữa, từ khi bộ binh Mỹ rút, tinh thần binh sĩ Sài Gòn hoang mang, quân dự bị (kể cả dự bị chiến lược) thiếu, mỏng, dàn trải ở khắp nơi.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Trên cơ sở nắm bắt sát diễn biến thực tế, lường định xu thế phát triển của tình hình và quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược chủ yếu năm 1972 (từ chiến trường Đông Nam Bộ sang chiến trường Trị - Thiên) của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp thảo luận, nhất trí phê duyệt kế hoạch tiến công cho 1972.

Căn cứ nhiệm vụ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao, ngày 16-3-1972, tại Bãi Hà (phía tây huyện Vĩnh Linh), Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên họp bàn triển khai kế hoạch tác chiến. Sau khi nghiên cứu phân tích thêm về nhiệm vụ chiến lược năm 1972 của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương trên chiến trường miền Nam và trên chiến trường Quảng Trị, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định phân chia chiến trường Quảng Trị thành bốn cánh tác chiến và sử dụng lực lượng chiến đấu trên từng cánh như sau:

  • Cánh Bắc, cánh chủ yếu của chiến dịch, sử dụng Sư đoàn 308 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (thiếu một trung đoàn), hai trung đoàn bộ binh (48, 27), hai trung đoàn pháo mặt đất (164, 84), trung đoàn pháo cao xạ, hai tiểu đoàn xe tăng, xe bọc thép, hai tiểu đoàn công binh, Tiểu đoàn đặc công 33, ba trung đội hóa học, trinh sát, súng phun lửa… do Phạm Hồng Sơn, Phó Tư lệnh chiến dịch và đồng chí Hoàng Minh Thi, Phó Chính ủy chiến dịch trực tiếp chỉ huy, được các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp, có nhiệm vụ tiêu diệt Trung đoàn 57 và Trung đoàn 2 bộ binh (thuộc Sư đoàn bộ binh 3 Sài Gòn) ở điểm cao 544, Đồi Tròn, Động Mã, Cồn Tiên; thừa thắng bao vây tiêu diệt miếu Bái Sơn, Quán Ngang; sẵn sàng diệt địch ở Hồ Khê, Đá Bạc, Thiện Xuân, Lăng Cô, Gia Bình… Sau khi đã tiêu diệt được toàn bộ các mục tiêu nói trên, các đơn vị nhanh chóng chuyển sang bao vây tài chính cụm cứ điểm Đông Hà, kiên quyết không cho địch co cụm đối phó.
  • Cánh Tây, sử dụng Sư đoàn 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bốn trung đoàn pháo cao xạ (230, 232, 241, 280), Trung đoàn 38 pháo binh, hai tiểu đoàn tên lửa, một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn công binh do Đại tá Hoàng Đan - Sư đoàn trưởng sư đoàn 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ huy, đảm nhận tiến công tuyến phòng ngự phía tây ở Động Toàn, Ba Tum, Ba Hồ, nếu địch phản ứng có thể tổ chức tiêu diệt trước thời hạn quy định, nhằm thu hút địch tạo điều kiện cho các cánh khác chuẩn bị. Sau đó, toàn cánh phối hợp với cánh Bắc đánh chiếm Núi Kiếm, bao vây tiêu diệt các căn cứ 241, Mai Lộc, Đầu Mầu, sẵn sàng tiến công tiêu diệt Ái Tử.
  • Cánh Nam, do Sư đoàn 324 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng các đơn vị phối thuộc (tiểu đoàn thông tin, tiểu đoàn công binh) được sự hỗ trợ của hai tiểu đoàn địa phương tỉnh Quảng Trị, do đại tá Giáp Văn Cương, Phó Tư lệnh và đại tá Lê Tự Đồng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy, có nhiệm vụ tấn công ở phía đông dãy Thượng Nguyên, chủ yếu từ khu vực động Ông Do xuống đoạn đường số 1 (nam thị xã Quảng Trị đến bắc sông Mỹ Chánh, thực hiện chia cắt chiến dịch, hỗ trợ cho nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy giành quyền làm chủ.
  • Cánh Đông, cánh thứ yếu của chiến dịch, kéo dài từ Hoàng Hà, Mai Xá, Cửa Việt lên ngã ba Gia Độ (bắc sông Hiếu). Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng Đoàn 126 đặc công hải quân, hai tiểu đoàn đặc công trên bộ (31, 25), Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh, một tiểu đoàn pháo mang vác, hai đại đội địa phương Quảng Trị, do Bùi Thúc Dưỡng, Tham mưu phó chiến dịch chỉ huy, làm nhiệm vụ bao vây Dốc Miếu, Quán Ngang từ phía đông, tiến công quân cảng Cửa Việt, sau đó phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt và làm tan rã lực lượng bảo an, hỗ trợ nhân dân các xã ven biển Gio Linh, Triệu Phong nổi dậy giành quyền làm chủ.

Về phương châm chỉ đạo tác chiến, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương: "tranh thủ đánh địch ngoài công sự để tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh, tạo thời cơ đánh những trận quyết định tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch, phá vỡ tuyến phòng thủ, nhanh chóng đột phá tung thâm, không cho chúng đối phó, phát huy cao độ uy lực của mọi loại binh khí kỹ thuật hiện có, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, coi trọng đánh vừa và nhỏ, đánh sâu và hiểm bằng những lực lượng tinh nhuệ, hỗ trợ cho nhân dân Quảng Trị, Thừa Thiên nổi dậy giành quyền làm chủ."

Khi các binh đoàn chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ở tư thế sẵn sàng tiến công thì phía đối phương vẫn không hề đoán định được hướng chính của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Ngày 18-3-1972, viên trung tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Vùng I chiến thuật cùng viên chuẩn tướng Vũ Văn Giai - Tư lệnh Sư đoàn 3 và viên đại tá Phan Bá Hòa - Tỉnh trưởng Quảng Trị, sau khi dùng máy bay trực thăng kiểm tra khu vực đường 9 - bắc Quảng Trị, đã thống nhất nhận định: đối phương chưa thể mở chiến dịch lớn ở Quảng Trị. Vì vậy, theo kế hoạch quân sự hình thành từ trước, ngày 25-3, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 3 quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn cho các đơn vị đóng chốt ở phía trước thay quân. Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 2) Từ Đong Hà ra Cồn Tiên; Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 56) từ Cồn Tiên vào Tân Lâm; Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2) thay tiểu đoàn 1 ở điểm cao 541; Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 57) ở Mai Xá Thị, Tân Hà thay Tiểu đoàn 2 ở Dốc Sỏi, Xuân Hải; Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 147) thay Tiểu đoàn 4 ở Động Toàn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Trị_Thiên http://ngothelinh.tripod.com/DaiLoKinhHoang.html http://www.library.vanderbilt.edu/central/brush/Vi... http://baoquocte.vn/nho-ve-chien-thang-quang-tri-1... http://hanoimoi.com.vn/forumdetail/chinh_tri/32151... http://www.vnpt.com.vn/Vnpt/ProvincialPT/Quangtri/... http://danviet.vn/net-viet/tran-danh-vang-lung-cua... http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Tra... http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-quan-doi-n... http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.hoiuckynie... http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.ngannamgiu...